1. Tại sao nên học các bộ Kanji
Thông thường, Kanji do các bộ (radical) ghép lại. Mỗi bộ có thể hiểu nôm na như là chữ cái a, b, c trong tiếng Việt. Tuy nhiên, bộ của Kanji phức tạp hơn nhiều (có bộ hơn cả chục nét 鹿 - LỘC - con hươu). Các bộ và từ được cấu tạo từ 8 cách chính, trong đó được mọi người nhớ nhiều nhất đó là tượng hình.
Tượng hình hiểu ở cách đơn giản nhất là nghĩa của chữ liên quan đến hình vẽ, ví dụ 口 giúp liên tưởng đến cái miệng, 山 ngọn núi, 川 con sông, 木 cái cây. Cũng vì lí do này mà khi gặp chữ Kanji mới trong đó có chứa bộ liên quan đến bộ đã học, nhiều người theo thói quen đoán nghĩa. Ví dụ có bộ THỦY 水 (nước) thì đoán là từ này có nghĩa liên quan đến nước.
Thực ra, chữ tượng hình theo cách trực quan trên chiếm số lượng không nhiều. Thay vào đó, chữ Kanji hình thành theo cách ý-thanh (hoặc còn gọi là nghĩa-thanh) mới nhiều. Các thống kê cho thấy số Kanji kiểu này chiếm từ 80%-90%. Ý thanh, ở mức độ đơn giản nhất, có thể hiểu là chữ Kanji được hình thành từ 2 bộ chính, một bộ chỉ ý (ngữ nghĩa), và một bộ chỉ thanh (cách đọc). Ví dụ bộ KHẢ 可, đọc là か, khi được ghép vào để hình thành các chữ như 珂、苛、何、河 cũng sẽ đọc là か.
Như vậy có thể thấy việc học Kanji theo cách chiết giải các bộ rất có ích. Bởi vì khi đã biết được cách đọc của một số bộ, sẽ có thể đoán ra được cách đọc của các chữ Kanji hình thành theo lối ý-thanh. Theo thống kê, nếu một chữ Kanji được cấu thành từ 2 bộ sắp theo thứ tự trái-phải thì 55%, bộ bên phải sẽ chỉ thanh (cách đọc). Điều này cũng có nghĩa là nếu muốn diễn giải ý nghĩa của một chữ Kanji, chỉ nên chú tâm đến bộ bên trái mà thôi.
Liên tưởng một chút đến các ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh. Các kí tự alphabet chủ yếu là tượng thanh (tiếng Nhật, hiragana và katakana là các chữ tượng thanh, do đó được dùng để ghi cách đọc của các chữ Kanji). Ví dụ để tạo ra một chữ có âm là BA, chúng ta ghép 2 kí tự, một chỉ tự có âm bờ (B) và một kí tự có âm a (A), giống như trẻ con hay đọc "bờ a ba", "trờ i tri". Các kí tự alphabet ko là tượng hình vì ít có thể suy diễn ý từ hình dạng của chữ kiểu như cái miệng, con sông của tiếng Nhật. Tuy nhiên, Kanji tiếng Nhật phức tạp hơn ở chỗ một từ vừa kết hợp cả ý lẫn thanh.
Nói một cách tóm tắt, các bộ của Kanji, cũng giống như các chữ a, b, c của bảng chữ cái tiếng Việt, được dùng để hình thành các chữ Kanji. Cách hình thành thông dụng nhất là có bộ dùng để chỉ ý nghĩa và có bộ dùng để chỉ thanh âm. Chính vì vậy mà khi học Kanji rất cần học các bộ.
Nếu thuộc được cách đọc của bộ thì với chữ Kanji mới có chứa bộ đã biết, nằm ở bên phải, xác suất chữ đó đọc theo bộ cấu thành là khoảng trên 50%. Mẹo này có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nhớ Kanji. Ngoài ra, thống kê cho thấy, nếu học khoảng 100 bộ chính (trên tổng số 214 bộ) là có thể nắm khá nhiều cách đọc và nghĩa của các chữ Kanji trình độ từ N2 trở xuống.
2. Tại sao nên học nghĩa Hán Việt
Việc biết được nghĩa Hán - Việt rất có ích trong việc ghi nhớ vì khi đọc lên người Việt sẽ hiểu nghĩa ngay. Ví dụ như chữ TRƯỜNG (場), tiếng Anh nghĩa thông dụng là situation, place; tức là người học tiếng Anh phải nhớ 2 nghĩa là tình huống và nơi chốn. Trong khi đó, người Việt sẽ tưởng tượng ra ngay chữ trường này nghĩa là gì khi ghép với các chữ như hội trường (会場), quảng trường (広場), công trường (工場), thị trường (市場), lập trường (立場), trường hợp (場合).
Một chữ có nhiều nghĩa như chữ trường ở trên còn dễ một chút, chứ cùng một cách đọc nhưng nhiều nghĩa mới phức tạp. Ví dụ như chữ THỰC, cùng cách đọc là shoku (しょく), nhưng có hai cách viết, ví dụ như 植 (plant) hay 食 (food). Với người Việt, nếu đọc thực vật (植物) và thực phẩm (食品) thì có thể hình dung ra ngay đâu là từ chỉ cây cỏ, đâu là từ chỉ thức ăn.
Việc học nghĩa Hán Việt sẽ có ích nhiều khi học lên các trình độ cao sau này, bởi vì lúc đó, sự dùng từ tinh tế hơn, kiểu như trong tiếng Anh, tìm kiếm có thể dùng search, look for, find, seek. Dùng từ nào trong tình huống nào cho hợp lí đòi hỏi phải hiểu rõ sự khác biệt giữa các từ này.
3. Sự tương quan giữa âm Hán Việt và âm Hán Nhật (音読み:Hán tự ló Hiragana)
Do chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc nên cách đọc âm Hán Việt và Hán Nhật có khá nhiều điểm tương đồng. Nghĩa là sẽ có nhiều từ, âm nghe giông giống nhau. Ví dụ liên lạc (tiếng Việt) - ren-raku (tiếng Nhật), hay kỉ lục - ki-roku, Hàn quốc - kan-koku. Có thể liên tưởng chuyện này với chuyện dân Pháp học tiếng Anh hay dân Anh học tiếng Pháp rất nhanh vì các nghĩa của các từ có thể đoán được qua cách phát âm gần giống nhau. Ví dụ nation (Anh) - nationale (Pháp). Chính vì vậy mà học tiếng Nhật là lợi thế của người Việt (ví dụ so với người Pháp) tương tự như học tiếng Anh là lợi thế của người Pháp (ví dụ so với người Việt). Cũng nói luôn là đối với học tiếng Nhật, người Việt chỉ có lợi thế thứ 3 mà thôi, vì vẫn sau người Trung Quốc (có nghĩa chữ viết tương đồng) và Hàn Quốc (có cách phát âm tương đồng???).
Trong cuốn 24 Qui tắc tạo thành Kanji, người ta có thống kê được sự tương quan giữa âm Hán Việt và âm Hán Nhật. Có thể kể ra một số ví dụ tiêu biểu.
3.1 Nếu âm Hán Việt bắt đầu bằng K, KH, C, H, GI, QU thì phần lớn âm Hán Nhật sẽ bắt đầu bằng K. Ví dụ:
+ KIM 金(tiền, vàng) - KIN, KINH 京(trong kinh đô京都) - KYOO, KEI, KIỀU 橋(cây cầu) - KYOO, KẾ 計(trong kế hoạch計画) - KEI, KÍ 記(trong kí ức記憶) - KI.
+ KHOA 科(trong khoa học科学) - KA, KHẢ 可(trong khả năng可能) - KA,
+ CỔ (cũ古) - KO, CÔNG 工(trong công trường工業) - KOO, CÔNG 公(trong công viên公園) - KOO, CỨU 究(trong nghiên cứu研究) - KYUU, CỘNG 共(trong cộng đồng共同) - KYOO, CỬU 久(trong vĩnh cửu永久) - KYUU, CỰU 旧(trong cựu binh, tân ước - cựu ước) - KYUU, CẤP 給(trong chu cấp支給) - KYUU, CỐC 谷(hang động谷) - KOKU
+ HUYỆN 県(đơn vị hành chính cấp dưới tỉnh県) - KEN, HÀ (con sông河) - KA, HUYẾT 血(máu血) - KETSU, HẮC (đen黒) - KOKU, HỘI (trong đại hội, hội trường会場) - KAI.
+ GIÁ (trong giá cả価格) - KA, GIỚI (trong thế giới世界) - KAI, GIAO (trong giao thông交通) - KOO, GIA 家(trong gia đình家族) - KA, KE, GIAN 間(trong không gian空間) - KAN, KEN, GIÁO 教(trong giáo dục教育) - KYOO
+ QUỐC 国(trong quốc gia国) - KOKU, QUẢNG 広(trong quảng trường広場, quảng cáo広告) - KOO, QUÁN 館(trong lữ quán旅館) - KAN,
3.2. Nếu âm Hán Việt bắt đầu bằng T, TH, CH, S, X thì phần lớn âm Hán Nhật sẽ bắt đầu bằng S hay SH. Ví dụ,
+ TIỂU 小(nhỏ小) - SHOO, TIÊN 先(trong tiên sinh先生) - SEN, TÁC 作(trong tác phẩm作品) - SAKU, SA, TỈ 姉(trong tỉ muội - chị em姉妹) - SHI, TỬU 酒(rượu酒) - SHU,
+ THIÊN 千(ngàn千) - SEN, THỦ 首(trong thủ lĩnh首脳) - SHU, THỦ 手(trong thủ thuật-phẫu thuật手術), THẾ 世(trong thế giới 世界) - SE, THỰC 食(trong thực phẩm食品) - SHOKU, THẮNG 勝(trong chiến thắng優勝) - SHOO, THIỂU 少(trong thiểu số少) - SHOO, THÍ 試(trong thí kiểm - kì thi 試験) - SHI, THỨC 式(trong hình thức形式) - SHIKI.
+ CHUNG 終(trong chung kết終結) - SHUU, CHỦ 主(trong chủ nhân - chồng主人) - SHU, CHẤT 質(trong phẩm chất品質) - SHITSU, CHỨNG 証(trong chứng minh証明)- SHOO,
+ SỬ 史(trong lịch sử歴史) - SHI, SỬ 使(trong sử dụng使用) - SHI, SẢN (trong bất động sản不動産), SẮC (trong màu sắc色) - SHIKI, SĨ (trong tiến sĩ博士, sĩ khí士気) - SHI.
+ XA 車(trong xa lộ 車路) - SHA, XÃ (trong xã hội社会) - SHA.
3.3. Nếu âm Hán Việt tận cùng bằng AO, ÂU hay IÊU thì nhiều khả năng âm Hán Nhật sẽ là OO (trường âm). Ví dụ:
+ GIÁO 教(trong giáo dục教育) - KYOO, ĐẢO 島(hòn đảo島) - TOO, GIAO 交(trong giao thương交商) - KOO, KHẢO 考(trong khảo cổ học 考古学) - KOO, BẢO 保(trong bảo hiểm保健, bảo an保安) - HOO, THẢO 討(trong thảo luận討論, kiểm thảo検討) - TOO, THẢO 草(trong thảo nguyên草原, thảo mộc草木, bản phác thảo草案, khởi thảo起草) - SOO.
+ TẨU (chạy走) - SOO, CẤU 構(trong cấu tạo構造, cấu trúc構築) - KOO.
+ TIỂU (trong tiểu thuyết小説) - SHOO, ĐIỂU (chim鳥) - CHOO, YẾU (trong tất yếu必要) - YOO,
3.4. Nếu âm Hán Việt tận cùng bằng ƯU thì nhiều khả năng âm Hán Nhật sẽ là UU (trường âm). Ví dụ:
+ NGƯU (trâu bò), HỮU (trong bằng hữu), CỨU (trong nghiên cứu), HỮU (trong hữu danh), CỬU (trong vĩnh cửu), HƯU (nghỉ ngơi)
Hai qui tắc sau cùng rất có ích cho việc học trường âm.
thanks you :)
Trả lờiXóa